English

Trang chủ

Teambuilding - Sức mạnh Hợp lực

GIỚI THIỆU
Tại sao nhiều tổ chức gồm những người giỏi
nhưng lại không thành công như mong muốn?
 
Tại sao có người luôn hoàn thành kế hoạch, mục tiêu
trong khi một số khác lại không?
 
Tại sao với cùng một điều kiện như nhau một số tổ chức thất bại,
trong khi các tổ chức khác lại hoạt động tốt ngay cả trong những thời điểm khó khăn?
Câu trả lời hết sức đơn giản và rõ ràng: CON NGƯỜI!
 
Con người chính là sự cấu thành của một tổ chức. Chìa khoá của sự thành công của cả tổ chức và của mỗi cá nhân chính là Tinh Thần Đồng Đội.
 
Tinh thần đồng đội là khả năng làm việc cùng nhau
và cùng hướng tới một Mục Tiêu Chung.
 
Là khả năng biết điều chỉnh những lợi ích cá nhân
hoà chung với Mục Tiêu của cả tập thể.
 
Tinh thần đồng đội là chất xúc tác cho phép
những người bình thường đạt được những kết quả khác thường.
 
ĐOÀN KẾT ẮT THÀNH CÔNG NHƯNG ĐIỀU ĐÓ PHẢI BẮT ĐẦU TỪ TÔI !
 
MỤC TIÊU KHÓA HỌC

Sau khoá học, học viên có thể xây dựng tinh thần làm việc đồng đội trong tổ chức khi:

  • Hiểu được quá trình thay đổi cá nhân và ứng phó với những ảnh hưởng khi thay đổi;

  • Hiểu rõ hiệu quả của cá nhân và đồng đội;

  • Nhận diện các nhân tố thúc đẩy hay cản trở hiệu quả làm việc tập thể;

  • Tập trung hiểu rõ kỳ vọng của mỗi thành viên trong tập thể về vai trò, trách nhiệm của họ trong tổ chức;

Lợi ích của tổ chức:

Chương trình Teambuilding Hợp lực sẽ giúp tổ chức:

  • Nâng cao tinh thần làm việc và kỹ năng làm việc tập thể trong tổ chức;

  • Chuẩn bị cho nhân viên nhận thức về sự thay đổi, thay đổi trong quản lý, điều hành, hệ thống để đảm bảo sự phối hợp đồng lòng nhất trí trong tổ chức;

  • Thay đổi tư duy, thái độ của các thành viên trong tổ chức để họ mở lòng học hỏi kiến thức, kỹ năng, chia sẻ vì mục đích chung của tổ chức.

 
NỘI DUNG KHÓA HỌC
  • Bài giảng kết hợp với các hoạt động teambuilding sẽ tập trung bổ sung và nâng cao sáu giá trị cho các thành viên của tổ chức là: sự táo bạo; tính sáng tạo; Lòng can đảm; Tinh thần đoàn kết; Hoạt động hiệu quả và Sự tôn trọng;

  • Bài giảng cùng với các hoạt động teambuilding nhằm khám phá sự hiểu biết cá nhân về vai trò, trách nhiệm của mỗi thành viên trong tổ chức;

  • Bài giảng và các hoạt động phân tích sự thay đổi nhằm tìm hiểu những nguyên nhân-kết quả của tình trạng hiện nay của tổ chức;

  • Bài giảng và các hoạt động dự báo về kết quả tương lai của tổ chức sau khi thay đổi kỹ năng làm việc đồng đội trong tổ chức;

  • Bài giảng và các hoạt động teambuilding xây dựng kỹ năng giải quyết vấn đề nhằm giúp các thành viên hiểu rõ và làm quen với cảm giác mới gặp phải trên con đường thay đổi;

  • Bài giảng và các hoạt động phân tích nhằm giúp các thành viên nhận thức sự tuân thủ khi làm việc đồng đội;

  • Bài giảng và các hoạt động phân tích nhu cầu cá nhân nhằm phát hiện mong ước và hoài bão của các thành viên trong tổ chức.

 
PHƯƠNG PHÁP HUẤN LUYỆN

Khoá học này áp dụng phương pháp huấn luyện kết hợp giữa các bài giảng trong phòng hội thảocác hoạt động tập thể ngoài trời nhằm gắn kết các thành viên, mang lại tinh thần làm việc đồng đội giữa các thành viên.

Phương pháp áp dụng trong bài giảng cũng như các hoạt động là tập trung vào nhận thức của học viên về tinh thần đồng đội nhằm nâng cao tinh thần làm việc đồng đội trong suy nghĩ cũng như hành động của học viên.

Trước khi tham dự, học viên được khuyến khích đưa ra những vấn dề của họ trong các bài tập chuẩn bị trước khoá học. Trong các bài giảng cũng như các hoạt động, với sự trợ giúp của giảng viên, học viên sẽ rút ra bài học cho riêng mình thông qua chia sẻ, trao đổi với mọi người bằng các hoạt động thảo luận, diễn vai, trò chơi, v.v.

Bài giảng và các hoạt động Teambuilding sẽ được thiết kế phù hợp với yêu cầu và đặc thù của mỗi tổ chức và đảm bảo sự tham gia đầy đủ của các thành viên;

 
ĐỐI TƯỢNG THAM DỰ

Các cá nhân và tổ chức nên tham dự chương trình Teambuilding Hợp lực khi phải đối mặt thường xuyên với những khó khăn sau:

  • Thay đổi trong tổ chức ảnh hưởng đến tinh thần đồng đội và văn hoá của tổ chức;

  • Thay đổi về định hướng chiến lược của tổ chức;

  • Thay đổi về lãnh đạo của tổ chức;

  • Thay đổi về văn hoá tổ chức;

  • Tổ chức không có hoài bão, văn hoá và ngôn ngữ chung;

  • Cách làm việc, thái độ, giá trị và năng lực của các thành viên trong tổ chức đối nghịch với nhau và với văn hoá của tổ chức;

  • Phân tán trong chỉ đạo, điều hành dẫn đến các chương trình, các bộ phận chức năng không có tiếng nói chung;

  • Thiếu thống nhất trong hành động do có sự chồng chéo chức năng, nhiệm vụ của các bộ phận, cá nhân;

  • Tinh thần học hỏi và chia sẻ chưa được coi trọng;

  • Thiếu tinh thần hợp tác vì sự phát triển của tổ chức;

 
THÔNG TIN KHÓA HỌC

Thời gian: Chương trình Teambuilding Hợp lực sẽ được tổ chức 1 hoặc 2 ngày tuỳ theo yêu cầu của tổ chức. Trước khi tổ chức, chương trình sẽ có một ngày đánh giá nhu cầu huấn luyện của tổ chức.

Địa điểm: Chương trình Teambuilding Hợp lực sẽ được thực hiện trong nhà và ngoài trời. Địa điểm tổ chức là tại các khách sạn, khu du lịch bên ngoài các thành phố của học viên.

Xin liên hệ với chúng tôi để đăng ký học hoặc yêu cầu thêm thông tin.

 
CÁC KHÓA TEAMBUILDING THƯỜNG ĐƯỢC TỔ CHỨC
  • Sức mạnh Hợp Lực - SYNERGISTIC TEAMBUILDING

  • ABC- Sức mạnh Hợp Lực - ABC TEAMBUILDING

  • Chiến lược Hợp Lực - STRATEGIC TEAMBUILDING

  • Sức mạnh Động Lực - MOTIVATIONAL TEAMBUILDING

  • Truyền Thông Hợp Lực - COMMUNICATION TEAMBUILDING

  • Lãnh đạo Hợp Lực - LEADERSHIP TEAMBUILDING

  • Kỹ năng mềm kết hợp Teambuilding - SOFT SKILLS TEAMBUILDING

  • Teambuilding kết hợp hội nghị, hội thảo - EVENTS COMBINED TEAMBUILDING

 
CHIA SẺ CỦA MỘT HỌC VIÊN

Tôi giật mình tỉnh giấc vì tiếng chuông báo thức từ chiếc điện thoại di động mà tôi đã cài đặt từ đầu hôm. Một cảm giác vừa lười biếng vừa thiếu ngủ, tôi với tay tắt chuông rồi ôm gối ngủ tiếp. Sau đó lại mơ màng nhớ sáng nay phải có mặt tại công ty vào lúc 6h sáng để đi Vĩnh Long cho chương trình Teambulding. Tôi là thành viên tham dự và cũng là ban tổ chức kiêm trưởng đoàn. Một chút dứt khoát trong sự miễn cưỡng kèm theo uể oải, tôi chuẩn bị để đến công ty.

Cả tuần vừa qua và trước đó, tôi đã tất bật dể chuẩn bị các thứ cho chương trình này, mất luôn cả 2 ngày cuối tuần trướ để đi tiền trạm. Nào là phải mail đến các đơn vị về chương trình, tập hợp danh sách và đề xuất thành phàn tham dự. Làm việc với phía tổ chức về nội dung chương trình, các thỏa thuận giữa 2 bên và trình ký hợp đồng..Khác với những năm trước, chương trình năm nay được FHR HCM “đặt hàng” Công ty Tư vấn & Đào tạo SALT thiết kế dành riêng cho đội ngũ hơn 50 Cán bộ Nhân viên là Manager Level 3 và một số Key Person được đề xuất từ các đơn vị trung tâm FDC HCM và FDC Cần Thơ. Địa điểm được lựa chọn cho 2 ngày để thực hiện các hoạt động của chương trình tại khu du lịch nằm ven cửa sông Cổ Chiên thuộc 9 nhánh sông Tiền. Đó là khu du lịch Trường An, Vĩnh Long.

5h35, tôi có mặt tầng trệt, tòa nhà Vi-tek , 63 Võ Văn Tần, Q.3, TP.HCM. Tôi luôn là người có mặt sớm nhất trong các chương trình đào tạo như thế này. Gửi xe dưới tầng hầm xong, tôi tập kết các vật dụng đã chuẩn bị từ hôm qua cho đoàn ra phía truớc tòa nhà. Vì số lượng tham dự lần này gần 60 người, rút kinh nghiệm từ khóa đào tạo ABC năm trước , tôi đã phải chuẩn bị 2 xe để có chỗ cho mọi người thoải mái hơn. Tôi làm việc với 2 tài xế về những thông tin cần thiết thuộc chương trình. Lúc này, mọi người cũng bắt đầu đến, người thì gửi xe dưới tầng hầm, người thì được người nhà chở đến, người thì đi “xe ôm”, lúi húi trả tiền rồi chạy nhanh về phía mọi người đang tập họp, đứng ngồi “lố nhố”, trên gương mặt mỗi người không ai không hiện lên ít nhiều nét “ngủ chưa đủ giấc”...

Điểm danh sơ qua danh sách, gần đủ 45 người, tôi mời mọi người tập trung lên xe. Đúng 6h15, xe 45 chỗ xuất phát đi Vĩnh Long trước. Tôi cẩn thận dặn dò CungCTN- FHR CT và QuangNT2 (học viên FHR) take care mọi người, hướng dẫn có đồ ăn và nước uống trên xe và phải gọi ngay cho tôi khi gặp sự cố. Tôi đi xe 24 chỗ vì phải “phụ trách” nhóm đến trễ và nhóm chưa có thông tin phản hồi. Sau khi xe 45 chỗ xuất phát, tôi kiểm tra danh sách lại lần cuối, BaoNQ và ThaoDH- F9 không tham dự được, ThaoBN- FPS sẽ đón xe ngoài đến Vĩnh Long sau. “Okie, 6h30 rồi, xuất phát thôi”..

Đoạn đường hơn 140km từ TP.HCM đến Vĩnh Long với tôi hôm nay như ngắn lại. Tôi tranh thủ ngả lưng trên ghế và chợp mắt vì sáng nay đã thức dậy sớm quá. Đồng hồ trên tay trái tôi đã chỉ 9h kém, cầu Mỹ Thuận hiện ra trước mặt, nhìn xa trải dài trên nhánh sông, sương mù vẫn còn mờ mịt lắm...

Qua cầu Mỹ Thuận rẽ trái về hướng thị xã Vĩnh Long không xa, xe rẽ vào khu du lịch Trường An. Tôi tới quầy lễ tân làm thủ tục nhận phòng. Xe của nhóm Cần Thơ cũng có mặt 15 phút sau đó. Mọi người nhận phòng và dặn 9h30 phải có mặt ở phòng đào tạo. Tiếng giày dép gối hả bước, tiếng gọi nhau í ới tìm người ở cùng phòng...tạo nên một không khí ồn ào pha chút gì đó lộn xộn nhưng thật là vui...

Đúng 9h30, tôi có mặt tại phòng đào tạo, các bàn trong phòng đã được sắp thành 5 nhóm riêng biệt, khu vực Tea-break phía ngoài phòng đào tạo. Cạnh hồ bơi, đã có một vài người đã đến trước và đang ở đó. Tôi nhận ra anh Trần Việt Hưng, Giám đốc Salt và cũng là giảng viên chính trong chương trình ABC năm trước cho FDC HCM 4 ngày tại Bình Châu. Đứng cạnh là anh Việt, trợ giảng của chương trình và là người trực tiếp làm việc với tôi cho chương trình này. Tôi chào 2 anh và cùng mọi người dùng buổi tea- break. 10h kém, chương trình Teambuilding chính thức bắt đầu.

Sau khi mọi người đã vào ổn định, để bắt đầu bằng vài hoạt động làm quen cho các thành viên tham dự, mọi người được yêu cầu đứng lên, tập trung thành 5 hàng dọc và người tự tin là biết tên tất cả mọi người tham dự thì giơ tay. Tôi và chị ThảoTT đã được kiểm chứng qua sự chỉ định ngẫu nhiên 3 người từ phía Ban tổ chức. Lần lượt, chúng tôi được yêu cầu sắp xếp thành 1 hàng dọc theo thứ tự thâm niên công tác, theo thứ tự tuổi tác, theo thứ tự người đã có và chưa có gia đình. Có thể mọi người chưa biết nhau do đến từ các đơn vị khác nhau nhưng qua chương trình này, mọi người dễ dàng giao tiếp với nhau hơn. Tiếp đó, chúng tôi lại nhận từ ban tổ chức mỗi người một dãy khăn màu và mộy cái thăm giấy gấp lại mà chưa được hướng dẫn sẽ làm gì. Thực ra có 5 lại thăm lần lượt được ghi là: Heo, Bò, Gà, Dê, Vịt là tên “linh vật” tượng trưng cho 5 nhóm được chia sau khi mọi người bị bịt mắt và tìm đúng nhóm mình theo tên “linh vật”. Vất vả trong tiếng kêu 5 loài vật theo các nhóm tự sướng, tôi tìm ra được nhóm gà của tôi. Mỗi nhóm thống nhất tên, khẩu hiệu nhóm, cùng một dãy màu và cách cột trên người. Nhưng nhóm gà chúng tôi đặt tên là H5N1, khẩu hiệu là “hạ gục nhanh tiêu diệt ngọn” thống nhất thắt dãy màu xanh phía sau lưng (đuôi gà đó mà..hehe).

Gần 11h, bắt đầu hoạt động cuối buổi sáng ngày thứ nhất, chúng tôi tập trung cạnh hồ nuôi cá sấu, mỗi nhóm nhận được một tấm dù to (loại võng nằm có quai xách ở xung quanh (có 10 quai, mỗi bên 5 quai). Yêu cầu là các đội chọn ra một người nằm trên võng. Người trên võng sẽ được nhóm mang đến điểm qui định và tất cả đều bị bịt mắt duy nhất chỉ có người trên võng là thấy đường và hướng dẫn cho mọi người đi đúng. Nhóm nào về nhanh nhất sẽ thắng, điểm từng hoạt động sẽ được tích lũy và công bố vào cuối chương trình và công bố vào cuối chương trình. Nhóm Gà chúng tôi xung phong đi đầu. Trên trán, trên mặt, lưng áo mọi người ướt mồ hôi dưới cái nắng buổi trưa của miền Tây nhưng trên môi ai cũng hài lòng về thành tích của nhóm đã đạt được. Mọi người cũng nhận ra vai trò quan trọng của người lãnh đạo trong một nhóm và sự đồng lòng của các thành viên nhóm.

12h15, kết thúc hoạt động, chúng tôi dùng cơm trưa. Là dân miền Tây nên tôi cũng không lạ gì với những món ăn Nam bộ tại nhà hàng nhưng hôm nay sao tôi thấy ngon lạ. Có lẽ vì tôi được cũng ngồi ăn với nhóm Gà của tôi, những người vừa cùng tôi hết mình vì một mục tiêu của nhóm, cũng có lẽ do hoạt động quá nhiều nên đói. Ăn xong, mọi người hối hả về phòng nghỉ ngơi để chuẩn bị cho buổi chiều lúc 13h30.

Tôi quay lại phòng đào tạo trễ 5 phút nhưng mọi người vẫn còn chưa đến đủ. Phải mất 15 phút sau, lớp học mới bắt đầu. Giảng viên đúc kết lại ý nghĩa hoạt động buổi sáng và hướng dẫn các trưởng nhóm luật chơi của hoạt dộng kế tiếp- Hoạt động Lego- Các nhóm di chuyển về phía bãi xe đã được dọn sạch sẽ. Mỗi nhóm sẽ phải dùng băng keo để tạo thành 11 hình vuông kích thước 30cm/1 hình vuông theo chiều dọc, hình vuông ở giữa tạo 2 đường chéo phân cách. Yêu cầu của hoạt động là chia mỗi bên 5 người, mỗi người đứng trên 1 ô, 2 hàng đứng đối mặt vào nhau, để trống ô đã đánh chéo ở giữa. Các nhóm phải làm thế nào để hoán đổi vị trí 2 bên. Khi hoán đổi xong thì 2 hàng xoay lưng lại và cũng để trống ô đánh chéo giữa. Bằng các cách khác nhau, nhóm thì dùng người sống để thử ngay trên các ô vuông, có nhóm vẽ trên nền ximang, dùng đá sắp xếp tính toán, có nhóm dùng cả dép họ đang mang trên chân để thử...Cuối cùng các nhóm cũng đã thực hiện được cũng như từng thành viên của nhóm cũng có thể giải được.

Chúng tôi lại tập trung tại phòng đào tạo để chuẩn bị cho hoạt động kế tiếp, hoạt động Treasury Hunt. Trưởng mỗi nhóm đại diện nhận 1 mật thư, các nhóm phải tìm đến được cây cầu khỉ để nhận bức mật thư thứ 2, các nhóm nhận mật thư thứ 3 và cùng tiến về bến đò. Mỗi nhóm chọn cho mình 1 chiếc đò để tiến về khu du lịch sinh thái Vinh Sang. Ngồi đò, tôi tranh thủ hỏi người lái đò về các thông tin xung quanh bức mật thư thứ 3 yêu cầu và không quên nhờ ThanhLP - FHP mua cho anh lái đò 1 gói thuốc lá (biết điều mà...). Khi đến Vinh Sang, nhóm 10 người chúng tôi thay bộ đồ thay 8 bộ đồ bà ba đen và loanh quanh hỏi đường, cuối cung nhóm chúng tôi cũng đến được địa điểm tập kết. Tại đây, các nhóm phải hoàn thành việc gói hai đòn bánh tét “đạt tiêu chuẩn” dưới sự giám sát của người dân địa phương. Phải xuống ao bắt đủ: 1con cá điêu hồng, 3 con cá lóc, 3 con cá rô, 3 con cua đồng và một số loại khác. Đã có 1 nhóm đang ở đó, họ đang lúi húi gói bánh tét. Nhóm tôi nhận lá chuối và nếp. Thật là khó khăn! Nhóm tôi phải đến 3 lần mở ra gói lại mới được bác chủ nhà gật đầu đồng ý. Nhanh chóng, nhóm tập trung về phía ao mà thành viên KhanhPNT- FCN đã “xí” trước. Thú thật từ thưở cha sinh mẹ đẻ đến giờ, tôi chỉ xem người khác chứ chưa từng nhảy xuống ao tát nước bắt cá như thế này bao giờ. Nhưng ý nghĩ về tinh thần đồng đội khiến tôi cởi áo bà ba đen và xắn quần, nhanh chóng, tôi nhảy xuống ao và làm như một người biết việc. Mọi người nhóm tôi cũng lần lượt nhảy xuống. Những thành viên còn lại trên bờ tự phân công nhau từ việc lấy nước “gộng” cá, bắt cá bỏ vào thùng những khi có cá dưới ao bắt được quăng lên, kiểm tra số lượng thiếu thừa các loại... Bằng sự quyết tâm, nhóm tôi đã bắt được đủ số cá, nhóm tôi quyết định quay về. Từ điểm tập kết trở về bến đò, mỗi người đi với một bộ dạng và suy nghĩ khác nhau nhưng riêng tôi, cảm nhận rõ sự mệt mỏi của cơ bắp nhưng rất vui trong suy nghĩ vì tôi vừa hòa mình vào cuộc sống của người Nam bộ mà trước đây tôi chỉ được nghe kể hoặc nhìn thấy mà thôi.

Sau hoạt động Treasury Hunt, mọi người tập trung vào lại lúc 19h30 cạnh hồ bơi để dùng buffet tối. Có lẽ vì phải vận động lội ao, tát nước, mò cua bắt ốc nên mọi người đói lắm. Trong khi mọi người dùng buổi tối, các nhóm lần lượt thay nhau lên chia sẻ kinh nghiệm và suy nghĩ qua hoạt động buổi chiều. Mỗi nhóm đều nói lên những cảm nhận rất thực, rất chân thành. Tuy có lúc có nhóm nào đó phát biểu, nhóm đông la ó phản đối nhưng thực ra đó là phản ứng rất tự nhiên xuất hiện giữa các nhóm nhưng lắng lại là sự đồng thuận và hiểu nhau hơn. Sau đó là chương trình thi hát Karaoke tập thể , mỗi nhóm đăng ký 3 tiết mục, đơn ca, song ca, và tốp ca. Mỗi nhóm chọn bài cho mỗi thể loại. Các tiết mục của các nhóm lần lượt được thể hiện với phong cách “máu lửa” là chính, càng về sau không khí càng chùng hơn có lẽ do mọi người cũng đã thấm mệt sau một ngày vận động liên tục. 22h30, ban tổ chức công bố kết quả chương trình thi hát Karaoke. Mọi người trở về phòng nghỉ ngơi và dành sức khỏe cho ngày sau.

Tôi thức dậy vẫn với tiếng chuông báo thức hằng ngày. Khi đến nhà hàng dùng bữa sáng, tôi bất ngờ khi thấy có nhiều người cũng đã có mặt vì nghĩ rằng hôm qua mọi người rất mệt và sáng nay có thể đến trễ. Dùng nhanh bữa sáng, tôi quay về phòng đào tạo. Đã 8h nhưng nhóm Gà của tôi vẫn còn vắng hơn nửa thành viên. Một lúc sau, mọi người mới tập trung đủ. Sau khi điểm lại các hoạt động ngày hôm trước, các nhóm di chuyển ra phía hồ bơi để thực hiện “Dùng cổ để uốn cong sắt”. Sau khi 2 giảng viên của chương trình thực hiện mẫu và hướng dẫn kỹ thuật, lần lượt mọi người tự bắt cặp với nhau để thực hiện. Thật dễ dàng, hầu hết mọi người đều làm được.

Sau đó mọi người lại di chuyển đến địa điểm khác để chuẩn bị cho hoạt động “Vượt qua bãi mìn”. Nhóm Gà của tôi về đầu tiên trong việc này. Mỗi nhóm cử ra một trọng tài, giữ “đáp án” bãi mìn và quan sát, chấm điểm cho nhóm mà họ được phân công. Các thành viên nhóm có nhiệm vụ đi đúng vào những ô không có mìn, nếu sai phải quay lại đúng đường lúc xuất phát, lần lượt và làm sao tất cả các thành viên qua được bãi mìn an toàn. Trò này không mấy khó nên chỉ một lúc sau các nhóm đã thực hiện hoàn tất và cùng quay về phòng học để tiếp tục nhiệm vụ mới.

Đến phòng học khoảng 10h, theo thứ tự trong chương trình là đến hoạt động “Chế tạo súng thần công”, tôi chợt lo lắng vì chưa hề được sờ vào súng thần công bao giờ huống chi giờ lại phải chế tạo nó. Tôi trấn an mình với ý nghĩ “biết đâu sẽ có người trong nhóm mình biết”. Tôi đại diện nhóm nhận vật liệu đẻ chế tạo súng, 1 ống nước loại lớn, 1 vừa, 2 ống nhỏ, 3 co nước, 10 chiếc đũa, 60 dây thun, 1 sợi dây nylon, 1 chai keo, 1 cái cưa, 5 trái banh tenis dùng làm đạn, 4 cờ hiệu cho hoa tiêu. Mỗi nhóm được phân chia khu vực riêng, các nhóm phải làm thành một khẩu pháo và bắn thử lúc 12h. Có rất nhiều ý kiến được đưa ra nhưng cuối cùng nhóm tôi đã thống nhất và hoàn tất 1 “khẩu pháo” mà nếu có chế tạo lần thứ 2 cũng chẳng có được. 12h5, nhóm tôi có mặt ở “trường bắn” để bắn thử. Sau một số loạt “đạn” tenis, nhóm quyết định cùng đi dùng cơm trưa và quay lại hiệu chỉnh lại vào lúc 13h.

Trưa nay không như trưa qua, mọi người ăn vội vã hơn. Theo thông báo từ phía tổ chức, sau khi ăn, mọi người phải quay về phòng, sắp xếp hành lý cá nhân để chuẩn bị làm thủ tục check-out. 13h30, nhóm chúng tôi đã tập hợp đủ tại phòng đào tạo. Không riêng gì nhóm tôi, với những ý tưởng sáng tạo, các khẩu pháo liên tục được thay đổi về hình dáng và cách thức trang trí. 13h45, các nhóm đều đã có mặt tại địa điểm quy định chuẩn bị thi bắn. Mục tiêu là một cái nia, đựng nghiêng trên kệ và được che phía sau một tấm màn, cách nơi đặt pháo khoảng 8m. Hoa tiêu điều khiển của từng nhóm sẽ đứng ngay tấm màn che. Theo thứ tự bốc thăm, lần lượt các nhóm thể hiện những loạt bắn của nhóm mình trong thời gian 3 phút. Các nhóm đều có thành tích rất tốt, nhóm thấp nhất cũng 1 lần trúng đích, riêng nhóm Gà của tôi không hiểu sao chẳng trúng nia được lần nào nhưng để lại những tràng cười sảng khoái cho các nhóm khác.

Vẫn còn đâu đó những tiếng cười mỗi khi nhìn thấy khẩu pháo và nhắc lại “thành tích” của nhóm tôi. Sau khi chụp hình lưu niệm cùng khẩu pháo tự chế, các nhóm được yêu cầu thực hiện một số trò chơi thể hiện tính sáng tạo của cá nhân: “Những Chiếc đinh” và “2 sợi dây”. Với sức trẻ của đội ngũ M3, các đáp án nhanh chóng đã đươc tìm thấy.

15h15, bắt đầu hoạt động cuối cùng của chương trình “Đi chân trần trên thủy tinh vỡ”, không riêng gì tôi mà hầu hết mọi người ai cũng mong chờ hoạt động này vì tính hấp dẫn của nó. Sau màn biểu diễn “điệu nghệ” của giảng viên, mọi người tập trung thành 1 hàng và lần lượt theo thứ tự thay phiên nhau đi qua khoảng thảm có rãi thủy tinh vỡ với sự giám sát và hướng dẫn của giảng viên. Bước chân cuả nhữngngười đi đầu tiên thật e dè, chậm rãi, thật cẩn thận. Mỗi khi có người hoàn tất bước cuối cùng, những tràng pháo tay nổi lên như chúc mừng họ vừa vượt qua một thử thách. Càng về sau thì sự khó khăn đó duờng như bị phá vỡ, mọi người tự tin hơn và bước đi qua 1 cách dễ dàng.

16h30 chương trình kết thúc, giảng viên công bố kết quả tổng điểm các nhóm, mọi người đón nhận kết quả bằng những tiếng vỗ tay, tiếng la ó... Vật phẩm các giải từ các nhóm nhận được không là những kỹ niệm chương, cúp pha lê mà là một ap-phich từ phía Salt về tinh thần đồng đội “Điều quan trọng nhất trong tinh thần đồng đội không phải là hơn hay thua mà là biết tham gia, nhiệt tình và hết lòng với đồng đội”.

Mọi người xách trên tay, đeo trên vai hành lý của mình tiếp bước nối nhau thành một hàng dài đi đến bãi đỗ xe. Họ đi như một đoàn quân chiến thắng trở về. Người thì cười nói như chia sẻ nốt những niềm vui họ đang có, kẻ thì im lặng như suy ngẫm lại những gì từ chương trình đã đem lại cho chính bản thân. Xe lăn bánh về TP HCM, tôi không khỏi không quay đầu nhìn lại Trường An, chút gi đó lưu luyến và cảm ơn, hẹn ngày này năm sau tại một nơi nào đó không ca cũng sẽ diễn ra chương trình hay như thế này.

Phạm Ngọc Tâm- FHR HCM

 
 
Về đầu trang