English

Trang chủ

TRÁI TIM LẦM LỠ ĐẶT LÊN ĐẦU

 

 

Trái tim lầm lỡ đặt lên đầu

 

Trần Việt Hưng

Công ty Tư vấn & Đào tạo SALT

 

Bài học về quản trị mà tôi thích nhất đến từ câu mà Quản Trọng trả lời Tề Hoàn Công vào thời Xuân Thu. Khi được Tề Hoàn Công hỏi: "Thế nào thì gọi là hại bá? (người lãnh đạo gây hại)", Quản Trọng trả lời: "Không biết nhìn người là hại bá, biết mà không dùng cũng là hại bá, dùng mà không tin càng là hại bá". Ngắn gọn, ấn tượng nhưng để làm theo thì cả trăm sự thiên biến khôn lường.

 

Những ai từng làm quản lý, đặc biệt là những người ở vị trí lãnh đạo cấp cao, đều mong muốn có được người tài để "phò" mình làm việc lớn. Nhưng tìm người tài ở đâu? Một trong những tập đoàn lớn của Việt Nam hiện có cả một chính sách "Cầu Hiền" để mời những người giỏi, có tiếng trong các lĩnh vực về đóng góp cho mình. Đãi ngộ lớn nhưng thẳng thắn mà nói, số "người hiền" trụ lại được ít hơn số quyết định khăn gói ra đi. Lý do: sốc văn hóa hay nói một cách văn học hơn là "không hòa nhập được về văn hóa". Vì vậy, quan điểm "chăm cá ao nhà" xem ra vẫn dùng được tốt, tránh được nạn những người tâm huyết rũ áo ra đi khi bỗng dưng ở đâu mọc ra một "nhân tài" mới, tài đến mức nào chưa biết nhưng rõ là chẳng hiểu gì về các vấn đề của công ty mà lại được điều về làm sếp phòng. Loại trừ những người không thực tài, đố kỵ bỏ đi, khối công ty mất người tài rồi mới biết đó là những tài năng ẩn mà mình hàng ngày vẫn nhìn nhưng không thấy. Càng ngẫm càng thấy câu "Anh hùng đoán giữa trần ai mới già" của cụ Nguyễn Du là đúng bởi chính con mắt nhìn người của lãnh đạo mới là cái tạo nên những người vừa có tài, vừa có tâm, sẵn sàng sống chết vì doanh nghiệp. Nhìn ra xung quanh, không thiếu những ví dụ về việc nhân viên nòng cốt quyết định ở lại để đồng cam cộng khổ, kề vai sát cánh với lãnh đạo trong giai đoạn khó khăn chỉ vì trước đó, họ đã được lãnh đạo nhìn nhận đúng đắn và tin tưởng giao việc. Lãnh đạo nào thấu hiểu được chân lý này, sẽ có nhiều cơ hội thành công trong việc xây dựng đội ngũ nhân viên, nhất là trong môi trường văn hóa Á Đông, nơi chủ nghĩa thực dụng mới đang thập thò ngoài cửa chứ chưa bước vào ngồi chĩnh chện ở giữa nhà.

Chuyện biết mà không dùng có lẽ khó bàn hơn bởi nguyên nhân của nó thì muôn màu muôn vẻ. Có thể "không dùng" vì bị chi phối bởi sự đố kỵ, bệnh thường tình của con người mà các quản lý cấp trung hay mắc phải. Cũng có thể là do linh cảm, đã được đúc rút thành một nguyên tắc khá hay trong quản lý: "vấn đề là tôi có thích hay không?". Càng không loại trừ khả năng lãnh đạo là tay "trên thông thiên văn, dưới tường địa lý" nên đã từ lâu luận ra rằng "nhân" ấy tuy "tài" nhưng không dùng mới là thượng sách.

Cái chuyện biết mà không dùng có thể có một lý do chính đáng nữa là sự đồng bộ của cả hệ thống. Lấy bóng đá làm ví dụ. Không thể có một đội bóng chỉ toàn tiền đạo hay hậu vệ, dù người nào cũng là cầu thủ ngôi sao. Có anh đá trên thì cũng phải có anh đá dưới, có anh đá chính thì cũng phải có anh dự bị. Ngoài ra, kể cả khi đã xác định là có 2 thay vì 1 tiền đạo, cũng phải chọn 2 anh đá cặp ăn ý với nhau chứ không phải cứ nhét Shevchenko ngồi chung với Ronaldo là ra bàn thắng. Nhiều lãnh đạo hiểu nguyên lý này nên dẫu biết là tài nhưng vẫn phải quyết định chia tay với nhân viên. Trong trường hợp này, người lãnh đạo đã đặt tính hiệu quả của toàn hệ thống lên trên hết chứ không sĩ diện hão vì cái mác "biết cầu hiền". Chỉ có điều, người khôn sẽ biết cách biến cuộc "chia ly" thành màu hồng của hy vọng và thương ái chứ không phải màu đen của thất vọng và thù hận.

Tệ hại hơn cả là chuyện dùng mà không tin. Bộ phim bom tấn "Xích Bích" (Red Cliff) mới đây đã làm phấn khích các thế hệ mê "Tam Quốc". Tuy nhiên, không hiểu bài học về cách dùng người mà không tin của Tào Tháo có làm cho nhà quản lý nào ngẫm lại mình? Chuyện Chu Du nắm vững tâm lý của Tào Tháo, dùng một lá thư giả khiến Tháo nổi giận chém Sái Mạo và Trương Doãn, vừa chém xong đã biết mình lầm, rốt cuộc là chỉ vì thiếu tướng giỏi thủy chiến nên Tháo thua trận đã chứng minh rất rõ cho hậu quả tất yếu của việc "dùng mà không tin". Dùng mà không tin thì dù kín đáo và khéo léo đến mấy, cái kim trong bọc lâu ngày cũng lòi ra mà khi người tài, đặc biệt là những người ở vị trí nắm nhiều bí quyết, bỏ doanh nghiệp để đến với đối thủ cạnh tranh vì phát hiện ra rằng bấy lâu nay mình không được "tin" thì tổn thất sẽ lớn hơn rất nhiều so với trường hợp ra đi vì "biết mà không dùng".

Tuy nhiên, nhâm nhi từ nãy cũng vẫn là bàn về câu nói của người xưa. Với tiêu đề "Trái tim lầm lỡ đặt lên đầu", bài viết muốn đề cập tới một lỗi khác trong quản lý, đó là "quá tin". Chưa bàn tới những hậu quả nghiêm trọng khiến lãnh đạo cấp cao phải ra tòa rồi một mực kêu oan, đổ thừa cho cấp dưới lộng hành, làm phản và lỗi của mình chẳng qua là do tắc trách và quá tin người, lỗi "quá tin" trong quản lý thường dẫn đến hậu quả là chậm tiến độ công việc; sai sót không được kiểm tra của cấp dưới làm thiệt hại về kinh tế cho doanh nghiệp và giảm uy tín của quản lý trực tiếp.

Chuyện đau đầu nhất mà "quá tin" có thể mang lại cho doanh nghiệp là lục đục nội bộ khi truy tìm nguyên nhân, đổ thừa trách nhiệm. Trong làm việc, không tin thì không thể áp dụng kỹ thuật phân cấp -  trao quyền mà quản lý học hiện đại đang cổ súy. Nhưng "quá tin" theo kiểu "chú làm việc, anh yên tâm" có thể là con dao hai lưỡi mà ranh giới giữa hai lưỡi rất mong manh.

Để đề phòng hậu quả của việc "quá tin", thiết nghĩ các nhà quản lý và lãnh đạo cấp cao cần tạo được cho mình một hệ thống phân quyền nhưng kèm theo đó phải là chế độ báo cáo và kiểm tra chéo định kỳ hợp lý. Thực tế, để đề ra một hệ thống phân cấp, phân quyền mà vẫn bảo đảm kiểm tra chéo và khắc phục được lỗi "quá tin" là việc không khó. Cái khó là cách đưa hệ thống đó, hay nói rộng ra là những "cái mới" vào cuộc sống hàng ngày của doanh nghiệp và tạo được sự ủng hộ và nhất trí thực hiện của mọi thành viên. Để hiệu quả nhất, các doanh nghiệp nên mời tư vấn bên ngoài bởi họ là những người nắm được chuyên môn và có cái nhìn tương đối khách quan cho trường hợp cụ thể của doanh nghiệp. Hơn nữa không thể quên câu châm ngôn Việt: "Bụt chùa nhà không thiêng". Đôi khi các thông điệp xuất phát từ "chùa nhà" lại không hiệu quả bằng mượn lời người ngoài. Chả thế mà trong nghệ thuật lãnh đạo có câu: "Lãnh đạo là người nói những điều người khác muốn nghe để họ làm những điều mình muốn"./.

Tích xưa: Mỵ Châu quá tin Trọng Thủy, rốt cuộc vì thế An Dương Vương mất nước.
Tôi nhớ ngày xưa chuyện Mỵ Châu

Trái tim lầm lỡ đặt lên đầu

 
Về đầu trang