English

Trang chủ

Trở thành người Quản lý

 

 

Một buổi sáng đẹp trời, Giám Đốc bước vào phòng chính thức thông báo: “vì những đóng góp của bạn cho công ty, bạn được thăng chức làm trưởng phòng”. WOW. Sau những phấn khích và tự hào ban đầu, bạn bắt đầu va vấp phải những VẤN ĐỀ trong quản lý con người và chợt nhận ra rằng bạn chưa hề được chuẩn bị gì cho cương vị điều hành này.

 

Trên thực tế đó là cách “thăng chức” tương đối phổ biến hiện nay và nhiều tổ chức không những không có được một nhà quản lý mới mà còn đẩy một nhân viên cần cù, giỏi chuyên môn và từng được các đồng nghiệp đánh giá cao tới chỗ stress hoặc xin thôi việc do không đảm đương được những trọng trách mới. Để lấp khoảng trống trong quản lý, nhiều công ty tìm những khóa huấn luyện về kỹ năng quản lý, lãnh đạo và gửi nhân viên mới được thăng tiến tham dự mong có được người trưởng phòng nhiều năng lực trong thời gian ngắn. Không cần bàn thêm chúng ta cũng thấy cách làm này không cho kết quả tối ưu.

 

Còn nhớ một buổi tối cách đây 10 năm khi cả nhà đang ăn cơm, bỗng chị cả của tôi đầy phấn chấn tuyên bố chị đang được bồi dưỡng để trở thành người quản lý của công ty. Chị trở thành con người trách nhiệm, năng nổ, luôn quan sát, học hỏi cách giải quyết công việc của sếp trực tiếp. Làm việc với 150% nỗ lực và với động cơ đúng đắn, hơn một năm sau chị đã vững vàng đảm nhiệm công việc quản lý của cả một hệ thống bán lẻ lớn. Phải thừa nhận chị tôi đã may mắn được làm việc tại một tổ chức có chiến lược phát triển con người rất khôn ngoan và có một người sếp có tài và có tâm.

 

Trong 10 năm gắn bó với lĩnh vực huấn luyện kỹ năng làm việc cho các tổ chức lớn tôi nhận thấy do yêu cầu phát triển nhanh nên nhiều tổ chức hiện bổ nhiệm các cấp quản lý mà chưa có sự chuẩn bị cần thiết cho họ. Lại có những nhân viên bằng mọi cách bon chen để được thăng tiến sớm mà quên điều quan trọng trong sự nghiệp không phải là một chức “quan nhỏ” trong một tổ chức cụ thể mà là bồi đắp năng lực để vững vàng trong công việc dù ở bất cứ nơi đâu hay cương vị nào.

 

Lãnh đạo và quản lý là một nghề đòi hỏi phải được rèn luyện như bất cứ một kỹ năng nghề nghiệp nào khác. Những người lãnh đạo giỏi là những người ngay từ những ngày đầu làm việc đã xác định mục tiêu vươn lên đảm nhiệm một vị trí chủ chốt trong lĩnh vực mình yêu thích. Họ tìm một người lãnh đạo đang có những thành công mà họ muốn có và quan sát, học hỏi cách thức làm việc, quản lý của “hình mẫu”. Họ đúc rút những điều nên hay không nên làm từ quan sát của mình và lên kế hoạch chuẩn bị kiến thức, năng lực, phẩm chất cần có và chờ đợi cơ hội của mình. Dĩ nhiên khi đó họ sẽ học hỏi được tối đa từ những khóa huấn luyện chuyên sâu về kỹ năng quản lý và lãnh đạo. Những khóa huấn luyện sẽ là những đúc rút, tổng kết cho những vướng mắc tự họ chưa tìm được lời giải tối ưu trong quá trình quan sát và tự học hỏi.

 

Đôi khi chúng ta vẫn nghe các đồng nghiệp ganh tỵ về một người “cũng có năng lực đấy” nhưng chẳng qua do may mắn nhiều hơn nên được thăng tiến trước những người đang kháo chuyện mà thôi. Quả là không thừa khi nhắc lại một định nghĩa rất hay: “May mắn là kết quả của việc có chuẩn bị trước và gặp được cơ hội tốt”. Cơ hội luôn dồi dào và có đủ cho tất cả mọi người trên thế giới này, chỉ có điều một số người luôn miệng hỏi “Cơ hội đâu? Cơ hội đâu?” trong khi phóng tầm mắt tìm kiếm nơi chân trời mà không biết rằng cơ hội đang trôi qua ngay trước mũi mình.

 

Thêm một thông tin nữa cho những người đang theo đuổi nấc thang địa vị trong công việc của mình. Trong 100 người thì có 85 người cần có người quản lý hay giám sát mới hoàn thành tốt công việc; chỉ có 15 người là biết tự lên kế hoạch và tự kỷ luật hoàn thành tốt kế hoạch đã đề ra. Và trong số 15 người này lại chỉ có 2 người không những giám sát mình tốt mà còn có khả năng và mong muốn động viên, giám sát người khác hoàn thành tốt công việc của họ. Đặc điểm của 2 người đang hoặc sẽ làm lãnh đạo giỏi này là dám chịu trách nhiệm cho công việc của người khác. Vì vậy bạn cần nhìn nhận lại bản thân mình từ trước tới nay khi kết quả công việc không tốt bạn có thói quen tìm lỗi ở những phòng ban hoặc đồng nghiệp khác hay dám nhận trách nhiệm do phần việc chưa tốt của bản thân, hoặc cao hơn nữa là do mình chưa hết sức đứng ra điều phối và giúp đỡ những người khác hoàn thành phần việc của họ. Thành thật với chính mình bạn sẽ nhận ra mình đang thuộc số 85, 15, hay 2 người trong mô hình trên. Biết mình đang ở đâu là bước đầu tiên để vạch kế hoạch tiến tới nơi mình muốn đến.

 

Để tóm lại trong một câu cách tốt nhất nhằm phát triển thành công là hãy biết “mô phỏng” thành công của người khác. Cụ thể: Hãy tìm những người có kết quả trong công việc và cuộc sống mà bạn mong muốn có cho mình; học hỏi những gì họ đang làm và làm những việc giống như họ. Dĩ nhiên trong quá trình làm như vậy bạn cần có những điều chỉnh để hợp với hoàn cảnh và cá tính của mình.

 

 

Trần Việt Hưng

Giám đốc SALT Consultants & Training JSC.

 

 

 

 
Về đầu trang